41 tháng tuổi

41 tháng tuổi: Bé nhận thức về thời gian

Bé ở tháng này thường hay phải đối mặt với những nỗi sợ hãi, đó là: sợ bị bố mẹ bỏ rơi; sợ những thứ mà người lớn dọa nạt như: ma mãnh, quái vật, bóng đêm, sấm chớp… Để giúp bé vượt qua những nỗi sợ hãi này, bạn cần trấn an, vỗ về và tạo sự tin tưởng cho bé.

41-thang

Bé đối mặt với sợ hãi

Những nỗi sợ hãi trong giờ ngủ là phổ biến ở trẻ 3 tuổi. Nhưng, trẻ con có thể sợ bất cứ điều gì, có thể là những tiếng ồn, sợ bị bố mẹ bỏ rơi. Điều đó có nghĩa: vì trẻ đã tự lập hơn và có thể không cần ở cạnh bạn, chúng cũng bắt đầu nhận ra rằng, bạn có thể bỏ rơi chúng.

Nếu bạn có việc cần rời xa trẻ thì cần trấn an bé rằng: Bố mẹ phải đi ra ngoài… Tuy nhiên, để đối phó với sự sợ hãi của trẻ thì bạn cần phải dựa vào tính cách của bé. Một số bé có thể cảm thấy dễ chịu, nếu bạn kiểm tra xem có con quái vật nào ở dưới gầm giường hay không, hoặc phun một loại “chất lỏng diệt quái vật” (bình xịt phòng hoặc nước). Bạn không nên giả vờ là có nhìn thấy con quái vật, vì điều này có thể là bằng chứng rằng loài sinh vật đó tồn tại, điều này làm cho bé thêm sợ sệt, buồn bã, chán nản. Tốt nhất là bạn hãy thử nói chuyện một cách trực tiếp với bé về nỗi sợ hãi như: “Mẹ biết một căn phòng tối có thể đáng sợ và mẹ cũng đã rất sợ khi mẹ bằng tuổi con bây giờ”. Bạn có thể đưa ra một giải pháp thiết thực như một chiếc đèn ngủ có ánh sáng dịu nhẹ, hoặc mát xa, kể chuyện… để làm cho bé bình tĩnh và đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.

Nếu bạn giải thích với bé là, chẳng có “con vật nào như thế đâu con”, hay “không có gì để sợ hãi cả” thì sẽ không thể làm cho bé đỡ sợ, mà ngược lại bé sẽ vẫn tiếp tục tin rằng có quái vật trong cuộc sống này. Việc của bạn lúc này là hãy trấn an, giúp bé đối mặt với nỗi sợ và đảm bảo sao cho bé cảm thấy thoải mái và tin tưởng vào bạn.

Một số điều không nên:

• Đừng doạ bé rằng: Quái vật sẽ bắt bé, nếu bé không làm một việc gì đó, vì bộ não nhỏ bé của trẻ sẽ tin điều đó là sự thật và sinh ra sợ hãi.

• Đừng bắt bé phải đối mặt với những nỗi sợ hãi, vì bé vẫn chưa được chuẩn bị để làm điều đó ở giai đoạn này.

• Đừng nói với bé rằng: “Khi lớn lên, con sẽ không thấy sợ nữa”, điều này sẽ không làm cho nỗi sợ của bé biến mất mà chỉ tạo thêm áp lực, khiến bé cảm thấy khó khăn hơn khi nói với bạn về nỗi sợ của mình.

Những lỗi ngữ pháp của bé

Nếu bạn thấy khả năng ngôn ngữ của bé có vẻ đi xuống, đặc biệt là bé mắc lỗi ngữ pháp mà trước đó ít khi bé mắc phải thì cũng đừng quá lo lắng, vì điều này là hoàn toàn bình thường với sự phát triển của trẻ. Càng lớn, trẻ càng tiếp thu được nhiều những quy tắc ngữ pháp cho nên trẻ có xu hướng áp dụng chúng trong mọi trường hợp của cuộc sống. Điều này được gọi là “máy móc”.

Thay vì chỉ ra những lỗi đó và sửa lại, bạn hãy làm mẫu một vài câu nói chuẩn ngữ pháp và nói lặp đi lặp lại cho bé nghe.

Nhiều bé ở độ tuổi này vẫn chưa biết đổi ngôi khi xưng hô. Vì thế, bạn hãy quan tâm đến việc dùng đúng đại từ nhân xưng trong các cuộc trò chuyện với bé và với người khác để bé biết và học hỏi.

Ý nghĩ ma thuật của bé

Việc học cách phân biệt giữa hiện thực và tưởng tượng là một quá trình dần dần. Trong suốt năm này, bé ở một giai đoạn chuyển tiếp thú vị. Tuy nhiên, bé vẫn thực hành những tâm lý phát triển liên quan đến “ý nghĩ ma thuật” và việc phân định các nét tiêu biểu với đồ vật hay mọi người là không thể, nhưng có vẻ lại có lý đối với những khả năng lập luận sớm này của bé.

Vì thế, bé có thể tin rằng, một bức thư ở trong hộp thư ngay lập tức sẽ bay sang hộp thư của ông. Bé có thể nghĩ rằng, hổ sống ở trên cây, rằng chim có thể nói chuyện với bé và thực sự có người sống trên mặt trăng. Thỉnh thoảng, những điều mà người lớn nói bé đều tin là thật, bởi vì chúng nghe có vẻ hợp lý đối với trẻ, ví dụ: “Loài muỗi ăn thịt người vẫn còn tồn tại”. “Con đang giết mẹ đấy!”…

Đồng thời, trẻ cũng dần dần đang nhận ra rằng: những bay bổng nhất định của trí tưởng tượng có thể không có thật, cụ thể như: Máy bay đồ chơi của bé thực sự không bay được. Nhóm nhạc bé yêu thích không sống ở trong ti vi. Quá trình này đòi hỏi bé phải mất đến vài năm. Bạn đừng vội vàng bắt bé phải từ bỏ các ý nghĩ này, vì thật tuyệt khi bé giữ lại một chút ý nghĩ ma thuật cho đến khi trưởng thành.

Bé làm chủ các kỹ năng vận động

41-thang-2

“Mẹ ơi, nhìn con này! Xem này!”. Bé gọi một cách mạnh mẽ khi bé trượt xuống cầu trượt. Bây giờ, bé ngày càng dũng cảm hơn trên sân chơi, điều đó đôi lúc khiến bạn phải nhăn mặt vì sợ, nhưng bé lại không biết sợ lo lắng của bạn. Bé thích thu hút người khác bằng những kỹ năng mới, cũng như những gì bé đã làm được và bé rất tự hào về chúng.

Bé ở độ tuổi lên 3 thường đi nhón chân, cố gắng đứng bằng một chân (và thậm chí có thể đứng được vài giây), chạy nhanh và cố gắng đạp xe đạp. Để giữ cho những kỹ năng vận động thô này phát triển, bạn hãy giúp bé dành ra ít nhất một giờ/ngày để hoạt động thể chất này. Những trò chơi tự do thường tạo ra nhiều bài thực hành chạy và nhảy. Những trò chơi có tổ chức như: trò chơi đuổi bắt, nhảy lò cò và các trò chơi với bóng đơn giản, tạo ra sức bền và sự phối hợp. Để hoạt động được thăng bằng, bạn hãy khuyến khích trẻ đi bộ bên cạnh bạn theo dọc lề đường. Những bài tập vượt chướng ngại vật ở trong nhà hay bên ngoài có thể giúp trẻ nắm được mối quan hệ về không gian.

Giữ an toàn cho trẻ ở tuổi mẫu giáo

Khi bé đã trở nên linh hoạt hơn về thể chất thì đây cũng là lúc thích hợp để chú ý tới các mục tiêu an toàn cơ bản. Cụ thể:

• Tăng cường thói quen đội mũ bảo hiểm cho bé. Nếu trẻ thường đội khi đi xe 3 bánh, bé sẽ có thói quen đội mũ bảo hiểm khi đi xe 2 bánh.

• Đảm bảo rằng, dao và các vật sắc nhọn đã được loại ra khỏi tầm với của bé, vì lúc này bé đã cao hơn và chuyên nghiệp hơn khi leo trèo và mở ngăn tủ.

• Tiếp tục dùng ghế ngồi an toàn trong ô tô mọi lúc như là một luật lệ. Nếu bé biết cách mở chốt cho mình, hãy nói rõ cho bé điều này là bắt buộc và hãy kiểm tra để chắc chắn rằng, bé đã được chốt an toàn trước khi bạn nổ máy và đi trên đường.

• Tất cả thuốc men cần được khoá lại, vì nếu để lên giá bé có thể sẽ tò mò để tìm hiểu.

• Hãy đảm bảo tất cả sân chơi đều có bề mặt an toàn.

Thời gian chơi ghép hình

Ghép hình có thể là một công cụ giáo dục tuyệt vời. Ghép các chữ cái để bé cảm thấy hình dáng của chúng và giúp bé học từng chữ. Tương tự khi bé ghép hình với con vật, hay những vật khác cũng vậy. Trẻ cũng bắt đầu nhận ra rằng, nhiều phần sẽ tạo ra tổng thể.

Bé có thể sẵn sàng chuyển dần dần lên từ những trò ghép hình với các miếng tương ứng với các lỗ trên tấm bảng (điều này rất tuyệt vời cho việc hình thành  sự phối hợp tay và mắt) tới những loại phức tạp, nhiều mảnh hơn.

Lúc mới bắt đầu, bạn có thể giúp bé không thất vọng bằng cách: chỉ dẫn cho bé. Hãy cố gắng đưa ra những trò ghép hình mà bé nhận ra, hay những chủ đề mà bé thích. Bé thu thập được miếng ghép giống nhau càng nhiều lần thì bé càng trở nên nhanh hơn và bị thu hút hơn.

Đọc lại!

Trẻ ở độ tuổi này rất thích được đọc đi đọc lại một quyển sách nào đó, điều này đôi khi khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, sự tức giận lặp đi lặp lại với bạn lại là cái mà trẻ cần, đó là cách để bé học.

Khi bé đọc một quyển truyện, bé có thể đoán phần tiếp theo của nó. Bé cảm thấy chiến thắng về “sự hiểu biết”. Đó là lý do tương tự bé lặp lại những việc khác nữa như: lắp ráp những trò chơi ghép hình, hát một bài yêu thích. Niềm thích thú ở trong việc làm được những điều đó.

Để làm cho những cuốn sách buồn tẻ trở nên thú vị hơn, hãy để cho bé đoán phần tiếp theo hoặc thay đổi một sô câu chữ trong truyện. Bé sẽ cảm thấy tự hào rằng, bé đã bắt lỗi được bạn.

Bé bắt đầu làm việc vặt

Bé 3 tuổi rất háo hức được giúp đỡ mọi người. Bé rất vui vẻ khi được giúp bạn trong các việc vặt trong nhà, đặc biệt nếu bạn đang làm việc đó. Trong khi bạn có thể không muốn bé giúp thái rau, nhưng bé lại thừa sẵn sàng để bắt đầu làm những việc đơn giản quanh nhà. Vì thế, bạn hãy tranh thủ sự nhiệt tình của bé trước khi bé không còn thích giúp đỡ nữa.

Chắc chắn, việc này sẽ mất thời gian và công sức để dạy cho bé cách dọn giường, quét nhà, tưới cây và bạn có thể sẽ phải hạ bớt tiêu chuẩn sạch sẽ của mình xuống trong một thời gian để hài lòng với  những gì bé làm. Vì bé  sẽ không thể làm tốt ngay được. Nhưng bạn sẽ có được kết quả tuyệt vời trong tương lai. Trẻ con làm các việc vặt sẽ học được tính trách nhiệm, sẽ thấy thoả mãn khi kết quả công việc tốt, và tạo ra ý thức với công việc nhà, điều đó giúp trẻ cảm thấy như chúng là một phần của ngôi nhà. Thêm nữa, đồng thời chúng cũng học được những kỹ năng có giá trị. Nếu công việc không được hoàn thành theo những tiêu chuẩn của bạn, hãy bỏ qua nếu nó thực sự không nghiêm trọng (ví dụ như: bé gấp chăn vẫn còn nhăn nhúm). Hoặc nói, “Chúng ta cùng làm nào!” và hướng dẫn cho bé, cho bé làm theo nếu cần.

Hãy bắt đầu với các nhiệm vụ đơn giản như: Dọn bàn, nhặt đồ chơi vào giỏ, thu gom các thùng rác. Hãy nghĩ đến việc làm như thế nào để những việc này dễ quản lý hơn: Nếu bạn dán nhãn các thùng đồ chơi với hình ảnh ở bên ngoài, bé sẽ biết chính xác thứ nào cần đặt vào đâu.

Cách thuần hoá cơn cáu kỉnh của bé

Bé đã ba tuổi, nhưng vẫn còn hay cáu kỉnh. Mặc dù bé lớn hơn, nhưng khi bé buồn bé vẫn cắn như lúc mới tập đi. (Và, cố gắng hết sức- không hề bất thường khi thỉnh thoảng bé nhảy dựng lên vì cáu, dù bé bốn tuổi hay lớn hơn thế nữa). Khi bé đang ở trong cơn hoảng loạn, đừng cố gắng tranh cãi với bé, dù kỹ năng ngôn ngữ của bé đã tiến bộ rất nhiều. Hãy bình tĩnh, thậm chí hãy tránh ra chỗ khác. Nói lớn tiếng và giận dữ chỉ làm tình hình thêm căng thẳng mà thôi. Nếu có thể, hãy lờ đi. Nếu bạn đang ở nơi công cộng, cố gắng đưa bé vào ô tô hoặc ra một nơi riêng tư nào đó, một nơi mà bé ít bị lấn át hơn.

Việc xử lý cơn cáu giận của bé 3 tuổi là khác nhau: Phục tùng sẽ gây ra nguy cơ đặc biệt ở tuổi này, bởi vì nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm bé có thể nhớ rằng mình có thể làm gì cũng được. Chẳng hạn, bé hét lên, bởi vì bé không muốn nhặt đồ chơi, vì thế bạn cũng bỏ qua, hoặc bé dậm chân dậm tay khi không thể được ăn kẹo ở lối đi thanh toán hàng hoá trong siêu thị, vì thế bạn sẽ cho phép bé “chỉ một lần này thôi” để bé yên lặng. Nếu bạn đang nhượng bộ, bạn dạy bé rằng, việc quát mắng và tất cả các giới hạn bạn đều linh động và có lẽ không phải là loại thông điệp kỷ luật mà bạn đang hướng đến.

Một phương phát phòng ngừa tuyệt vời: Hãy thưởng cho bé khi bạn thấy bé xử lý nỗi thất vọng hay buồn bực của mình một cách người lớn. “Ôi, mẹ thích cái cách con không làm ầm ĩ lên khi mẹ muốn con giúp mẹ nhặt đồ chơi trên sàn trước khi đi ra ngoài”…

Bé nhận thức về thời gian

“Khi nào chúng ta sẽ đi?”.

“Ngày mai,” bạn trả lời.

5 phút sau, bé hỏi. “Chúng ta vẫn chưa đi ạ?”.

Trẻ con rất khác nhau trong cách nắm bắt thời gian. Khi lên 3, bé có thể hiểu trình tự (bé đã làm việc đó trước tiên hay sau cùng) và việc gì đó sẽ mất thời gian bao lâu (một khoảng thời gian ngắn hoặc dài). Nhưng những khái niệm giống như quá khứ (hôm qua) và tương lai (ngày mai) có thể vẫn lơ mơ hơn.

Một cách để giúp bé: Hãy kể cho bé nghe những việc mình làm trong ngày: “Sáng nay, chúng ta đã đi công viên. Sau đó, chúng ta đi ăn kem. Rồi, trước khi đi ngủ, chúng ta sẽ đọc sách.” Hoặc “Ngày mai, chúng ta sẽ đến thăm bác Thủy”. Bạn càng để cập đến thời gian nhiều trong thế giới hàng ngày của bé, bé càng nắm được tốt hơn. Dù nó không gây hại khi dùng thời gian thực (vào 6:30, trong 20 phút) để giúp bé bắt đầu nhận thức về thời gian, bé vẫn chưa có những kỹ năng phục vụ cho loại hình toán học này. Đó là lý do tại sao những thông tin tham khảo đơn giản hơn, bé có thể dễ dàng nắm bắt được hơn.

Bé sẵn sàng nhận thức được các ngày trong tuần, vì thế hãy đề cập đến chúng bất cứ khi nào bạn có cơ hội. Chẳng hạn, nhắc bé rằng vào cuối tuần, thứ 7 và chủ nhật, không phải đi học hay đi làm. Hoặc có thể thứ 2 là ngày bé phải đi học.

Những kỹ năng viết của bé

Thật thú vị khi nét chữ nguệch ngoạc của bé bắt đầu trông có vẻ giống chữ cái thật sự hơn. Một số bé 3 tuổi thậm chí bắt đầu viết tên mình, hoặc vài chữ cái trong đó. Nhưng, viết là một trong những mốc phát triển quan trọng mà rất khác nhau giữa các bé. Đừng lo lắng nếu bé không thích thú với việc tập viết.

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển vận động tinh. Bé có thể có tay thuận rõ ràng ngay từ bây giờ (hoặc chưa xác định rõ trong khoảng vài năm nữa). Nhưng vẫn còn khó khăn khi điều khiển bút chì để tạo ra được các chữ cái có các nét chéo như M, N, K. Những ký tự khác cũng có thể trông chưa đúng lắm. Các nét có thể không nối với nhau ở đúng chỗ, hoặc chữ E có quá nhiều nét ngang. Việc bé có thể làm được ở giai đoạn này là bắt chước vẽ vòng trong và đánh dấu “x”.

Hãy khuyến khích bé viết bằng giấy, bút chì nét to, sáp màu và phấn trong tầm với dễ dàng. Một cách khác để khơi gợi niềm thích thú là: đổ cát, muối, hay đường vào khay và chỉ cho bé cách vẽ ra các chữ cái bằng ngón tay.

Bé bắt chước

 

Thỉnh thoảng, khi bạn nhìn bé chơi, bạn có thể băn khoăn liệu bé có tài năng diễn xuất trong tương lai? Bé 3 tuổi trải qua một khoảng thời gian dài nói chuyện với búp bê, bắt chước cách nói chuyện của người lớn và dùng các loại giọng nói khác nhau cho những nhân vật khác nhau – giọng hơi choe choé cho em bé và giọng sâu sắc, mạnh mẽ dành cho các anh hùng chẳng hạn…

 

Những biến thể đa dạng trong các đoạn thoại chứng tỏ bé đang tiếp thu cách mà mọi người sử dụng ngôn ngữ. Hãy nghe thật gần và bạn có thể nghe thấy những cụm từ hay giọng điệu quen thuộc. Bé đang nhận ra rằng, cách nói chuyện của những người lớn khác nhau nhiều hơn so với trẻ con, chẳng hạn, cách nói chuyện của bạn với mẹ mình và với sếp. Sau đó, bé vô thức thực hành những cách nói chuyện khác nhau này trong các câu chuyện của bé với búp bê. Đó là một lý do nữa mà trẻ lại nói líu lo suốt ngày như vậy!

 

Cuộc sống của bạn

 

Khi bé giận dữ, bạn đừng cho rằng bé đang mệt nên mới như vậy. Cách ứng xử với cơn cáu giận của bé là bạn hãy mặc kệ. Lúc này, cơn tức giận của bé có thể sẽ bùng lên. Nếu bạn cảm thấy cần thiết phải giúp bé làm nguôi cơn cáu giận này thì hãy giữ lấy bé (nếu có thể), hoặc xoa xoa vào lưng bé, vì bây giờ chưa phải là lúc thích hợp để bạn nói chuyện với bé về cơn cáu giận này.

 

Giai đoạn này, bé có thể sẽ có nhại lại những điều bạn vừa nói. Tuy nhiên, việc bé nhại lại như một con vẹt này cũng là điều tốt. Và bạn hãy chuẩn bị sẵn một vài câu để bé cùng hợp tác và tiến bộ theo thời gian. Ví dụ:

 

• Cảm ơn con đã giúp đỡ mẹ!

 

• Mẹ thích con như thế này…

 

• Mẹ biết rằng mẹ có thể tin tưởng con mà.

 

• Con đúng là trợ thủ đắc lực của mẹ.

 

• Ồ, cảm ơn, mẹ cần cái này.

 

• Mẹ nghe bố con nói rằng, con đã làm một điều tốt khi con…

 

• Này! Mẹ nghe thấy con nói năng rất lịch sự!

 

• Tốt lắm!…

 

Đã bao giờ bữa ăn trở nên căng thẳng bởi vì bé không chịu ăn? Hầu hết các chuyên gia khuyên rằng: không nên ép trẻ ăn. Thức ăn nên là nguồn nuôi dưỡng và tạo ra sự thoải mái chứ không phải là đấu tranh quyền lực. Nghiên cứu cũng cho rằng, ép trẻ ăn có thể dẫn tới vấn đề cân nặng hoặc rối loạn ăn uống sau này trong cuộc sống. Bé học để liên kết thức ăn với sự kiểm soát. Hãy đợi đến bữa ăn nhẹ hay bữa ăn chính kế sau và cho bé ăn lại; nếu bé đói bé sẽ ăn, hay bé có thể không ăn thì cũng không sao cả. Hầu hết các chuyên gia nói rằng, tốt nhất là đừng bắt đầu thói quen chuẩn bị những bữa ăn đặc biệt cho những bé kén ăn. Nhưng, cũng không nên phạt bé vì tội biếng ăn. Hãy để bé được tự do.

 

Nếu bé có một chiếc chăn hay một thú nhồi bông yêu thích, bạn có thể phải  dần tách bé nó ra, vì nếu chẳng may bé để quên nó ở nhà bà, hay ở khách sạn và bạn phải đi lấy lại trong đêm… Bạn có thể băn khoăn khi nào thì điều này sẽ kết thúc?

 

Trẻ con để cho những đồ vật thân yêu xa cách mình ở những độ tuổi khác nhau. Một số có thể đã sẵn sàng khi chúng bắt đầu học mẫu giáo; một số lại thích để nó trong ba lô mang đến trường mẫu giáo và sau đó cất chúng vào một chỗ kín trong suốt cả ngày. Những trẻ khác tiếp tục ngủ với người bạn thân đặc biệt cho đến khi học tiểu học, hoặc lâu hơn nữa. Hầu hết trẻ em cuối cùng cũng từ bỏ được thói quen này.

 

Để tránh thất lạc người bạn yêu dấu của bé, nếu bạn chưa thì hãy lập ra một số quy định về việc có thể và không thể mang chúng đi. Với bé 3 tuổi, trước đây chưa từng bị giới hạn về việc mang theo đồ thân yêu thì hãy lập ra những qui tắc mới cho “trẻ lớn hơn”. Nếu không mang đồ vật ra khỏi nhà thì sẽ dễ tìm kiếm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những lần đi khám bác sĩ và nghỉ lễ là trường hợp ngoại lệ đối với bé.

 

Sự cứng rắn là thích hợp nhất khi nói đến kỷ luật. Nhưng, nếu bạn đang làm quá nhiều lần một ngày thì nó không có tác dụng. Nếu sự mong đợi của bạn quá cao, hay bạn quy định quá nhiều, rồi sau đó vội vàng mắng bé vì mỗi vi phạm nhỏ thì chỉ dẫn đễn đến những thách thức và đấu tranh mà thôi. Nói chung, 3 quy tắc lớn là đủ ở tuổi này, vì thế hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên. Kinh nghiệm là: Hãy hạn chế thời gian phạt bé với những vi phạm nghiêm trọng giống như cắn, hoặc phá vỡ những quy tắc lớn. Bạn có thể không cần phải dùng đến sự trừng phạt này hơn 1 lần một ngày. Nếu bé bị phạt quá nhiều, hãy điều chỉnh lại quy tắc, nắm được những điểm tốt của bé, hay xem xét liệu sự chán nản có đang diễn ra, có thể bé cần đi dạo và cần một vài ý tưởng mới cho thời gian chơi.

 

Bạn có cảm thấy khó ngủ? Nếu bạn đang có một vài năm giấc ngủ luôn bị gián đoạn vì luôn phải chăm bé thì việc kiểm tra lại thói quen ngủ và khôi phục lại một số thói quen có lợi cho sức khoẻ mà chúng tôi nói đến dưới đây sẽ giúp ích cho giấc ngủ của bạn. Đầu tiên, hãy đảm bảo phòng ngủ hoàn toàn tối và yên tĩnh. Các chuyên gia về giấc ngủ khuyên không nên để ti vi hay bàn ở trong phòng ngủ và hãy tạo ra những bóng tối cho căn phòng ngủ của mình.

 

Dù bạn có muốn kể cho bé 10,000 điều sau khi bé ngủ thì cũng đừng nhồi nhét nhiều quá trước khi bạn đi ngủ. Vì rất có thể bé của bạn sẽ dậy sớm, nhưng bạn thì không thể thức khuya, dậy sớm mãi được.

 

Điện thoại di động là vật kết nối với văn phòng, chồng và bạn bè của bạn, nhưng tốt hơn là hãy hạn chế thời gian nó khi sử dụng trước mặt trẻ. Đừng để những câu chuyện tán gẫu không ngừng làm gián đoạn thời gian rảnh rỗi mà bạn có thể dùng để đọc chuyện và chơi với bé.

 

Hãy đọc truyện một cách tương tác với bé và bé sẽ thậm chí rút ra nhiều kinh nghiệm hơn (và bạn sẽ tránh được sự nhàm chán khi phải đọc cùng một câu chuyện đến 900 lần). Hãy đặt câu hỏi về bức tranh để củng cố về chữ số, màu sắc, và các kỹ năng khác: “Con có thể đếm xem có bao nhiêu con khỉ không?… Con cún nói gì nào?… Ngôi nhà màu đỏ đây?”… Hãy để bé đoán xem điều gì sẽ xảy ra ở trang kế tiếp. Chèn tên của bé vào tên nhân vật chính.

 

Ngay cả người mẹ tuyệt vời, kiên nhẫn, vui vẻ, thông cảm nhất đôi lúc cũng muốn hét lên! Việc nuôi dạy con có thể cảm thấy phải mất đi nhiều thứ, đặc biệt là những giấc ngủ trưa có thể biến mất, vì sự quậy phá của bé. Đừng bực tức, hãy nhấm nháp miếng sô cô la, hoặc ăn một cái gì đó mình thích! Hoặc thử một trong những lựa chọn sau:

 

• Lướt các danh mục cửa hàng, hay lướt mạng và nhặt vào giỏ đầy những thứ bạn có thể mua hoặc không mua.

 

• Đi dạo một mình.

 

• Nói chuyện xả hơi với những người mẹ khác (gặp trực tiếp hoặc trực tuyến).

 

• Hãy bỏ những chiếc đĩa CD dành cho trẻ con sang một bên và thay vào hãy mở loại nhạc mà bạn thích.

 

Thử tập thở theo phương pháp của Lamaze.

 

Một số bé chống lại giờ ngủ một cách thông minh bằng cách, kéo dài thời gian và  yêu cầu bạn không chỉ thơm bé mà còn cả thú nhồi bông nữa. Nếu bé cố gắng thu hút bạn vào màn tiệc hôn hít kéo dài đến 20 phút thì bạn hãy dứt khoát với bé. Việc này lúc đầu dường như thú vị, nhưng sẽ nhanh chóng khiến bạn mệt mỏi. Hãy nói, “con có quá nhiều thú bông cho mẹ thơm. Hãy chọn ra 3 con thôi và sau đó mẹ sẽ hôn gió một cái thật lớn với tất cả những con còn lại khi mẹ đi ra khỏi phòng”.

 

Một số lời khuyên để có được những bức ảnh tuyệt vời khi mục tiêu luôn di chuyển:

 

• Tắt đèn flash. Ánh sáng sẽ đẹp hơn và ít nhoè hơn.

 

• Ra ngoài chụp ảnh để có ánh sáng đẹp hơn, khung cảnh đơn giản hơn và bé vui vẻ hơn.

• Chụp ngay. Bạn cần mất rất nhiều thời gian để chộp được những biểu hiện tuyệt vời – đó là lý do mà máy ảnh kỹ thuật số chính là món quà của chúa dành cho cha mẹ.

• Hãy tự tạo ra tư thế. Chụp ảnh trong khi bé đang quan tâm đến đồ chơi, chạy, hát – bất cứ hoạt động nào có thể bắt được khoảnh khắc thật hơn.

• Tạo ra các hiện trường giả. Bong bóng xà phòng sẽ giúp bé cười và trông rất tuyệt vời nữa. Vì thế, hãy nhờ ai đó thổi bong bóng trong khi bạn chụp ảnh.

• Hãy luôn để máy ảnh ở vị trí thuận tiện và sẵn sàng. Để nó trong túi của bạn: Bạn không bao giờ biết khi nào khoảnh khắc tuyệt diệu sẽ xuất hiện.

Theo mangthai, mevabe, webtretho, babycenter, babyzone, gurgle, meyeucon

Đăng ký nhận mail hàng tháng về sự phát triển của bé tại đây

Chúng tôi sẽ gửi mail cho bạn hàng tháng vào ngày sinh của bé với nội dung tư vấn về sự phát triển của bé từng tháng tuổi

Bình luận về bài viết này