40 tháng tuổi

40 tháng tuổi: bé biết chơi thay phiên nhau
40-months

Nhiều bé sẽ phát triển sớm hay muộn hơn một chút so với những mô tả trong bài này, bạn hãy tập trung vào những gì bé của bạn có thể làm, và ghi nhận để giúp bé phát triển những kỹ năng mới của bé nhé

Vận động của bé
* có thể mang theo đồ uống mà không làm đổ.

     * đi được xe ba bánh.

     * leo cầu thang mỗi chân 1 bậc.

     * mặc và cởi áo khoác với sự giúp đỡ của người lớn

     * Bắt đầu chơi các đồ vật nhỏ

Cách suy nghĩ của bé
* hay tò mò và tưởng tượng.
* hiểu được mệnh lệnh ”Đã đến lúc …” khi bố mẹ yêu cầu
* Thời gian tập trung chú ý của bé là 4-8 phút.
* phân biệt được màu sắc

    * khó khăn trong việc kết hợp hai hoạt động một lúc (VD như ăn uống và nói chuyện)
* nói còn ngọng

    * sử dụng đúng các đại từ như ông, bà, cô, chú và giới từ như trên, trong, dưới

Khả năng giao tiếp, xã hội
* thích bắt chước người lớn.
* quan tâm đến bạn cùng chơi.
* giả vờ là một con vật.
* chơi cùng với những đứa trẻ khác.
* biết chơi thay phiên nhau.
* muốn làm vui lòng người lớn, nhưng thích độc lập.
* tự nhiên, hoạt động nhiều, và nói nhiều.
* đi theo những gì bé muốn và có thể chiến đấu vì nó.
* có thể biết ghen tị.
* thỉnh thoảng cảm thấy thất vọng.

Dạy con cách chia sẻ

Hầu hết trẻ con ghét phải chia sẻ. Mặc dù trẻ con cũng vui vẻ khi tặng ai đó món quà gì, nhưng để thành kỹ năng biết chia sẻ là cả một quá trình, bởi nó là một tình huống xã hội khá phức tạp.

Dẫu vậy, đó vẫn là kỹ năng trẻ cần có. Làm thế nào để chúng biết dành đồ cho người khác, và biết đợi đến lượt mình, hãy tham khảo các lời khuyên dưới đây:

1.                   Đừng yêu cầu quá nhiều

Đừng hy vọng con bạn chia sẻ thứ gì cực kỳ quan trọng với nó. Đó có thể là đòi hỏi quá lớn. Bạn có rất nhiều cơ hội khác để giúp con thực hành việc chia sẻ khi đang chơi đùa với nhóm trẻ. Thêm nữa, nó cũng cho bé thấy bạn coi trọng ước muốn của bé, chứ không chỉ là ước muốn của những đứa trẻ khác.

2.                   Đừng hy vọng sự hoàn hảo

Đừng buộc trẻ phải chia sẻ thật công bằng, nhanh chóng, hoặc thường xuyên. Ai cũng sợ rằng nếu con mình không học kỹ năng này ngay bây giờ, nó sẽ không bao giờ học được. Hãy nhớ rằng con bạn có vô số cơ hội khác để thể hiện điều đó.

3.                   Đặt mốc thời gian

Khi con bạn không muốn chia sẻ hoặc chờ đến lượt mình, hãy cho bé một khoảng thời gian để bé biết không lâu nữa sẽ phải bỏ lại vật yêu thích đó. Hãy nói kiểu: “Mẹ sẽ đếm đến 10, và con sẽ chuyển sang cái bút màu đỏ”. Bé sẽ nghe thấy sự thúc giục trong tiếng đếm của bạn, và khi bé làm theo, hãy khen ngợi.

4.                   Nhờ con giúp đỡ

Thay vì yêu cầu trẻ phải chia sẻ, hãy đưa bé vào tình huống giải quyết vấn đề, chẳng hạn: “Bạn Ben cũng muốn ngồi xích đu ngay bây giờ. Chúng ta nên làm thế nào? Con có ý kiến gì không?” Bạn sẽ kinh ngạc khi thấy trẻ cuối cùng có thể đưa ra giải pháp rất tốt cho tình huống này, mà không cần ép buộc chúng. Có thể bé sẽ sẵn sàng nhường chỗ, hoặc tìm trò vui hơn cho cậu bạn ấy.

5.                   Chọn đúng thời điểm

Nhớ rằng trẻ con có sự liên tưởng từ mọi trải nghiệm của chúng. Nếu bạn yêu cầu chia sẻ vào lúc bé đã mệt nhoài, hoặc đang buồn rầu, thì nó sẽ trở thành kỷ niệm đau khổ. Hãy khuyến khích chia sẻ vào lúc bé đang vui vẻ, và kiểm soát bản thân tốt (không khóc lóc hay ném, quăng đồ…). Điều đó sẽ tạo ấn tượng tốt mà bạn có thể khen ngợi.

6.                   Đôi khi cũng có thể từ chối

Sẽ không sao nếu thỉnh thoảng bạn nói với bé khác hoặc cha mẹ bé đó, rằng: “Ben không muốn chia sẻ hôm nay”. Vì, cùng với việc dạy trẻ cách chia sẻ, một kỹ năng quan trọng khác bé cần học là chăm sóc bản thân và bảo vệ quyền lợi của mình. Vì thế, đừng cứng nhắc muốn bé phải chia sẻ hoặc cho đi mọi lúc.

7.                   Bỏ qua khán giả

Các bậc cha mẹ thường rất để ý đến những người xung quanh (thường là các vị phụ huynh khác) nghĩ gì về cách ứng xử của mình. Không cần làm điều đó trước mặt họ. Nếu bạn cần nói với con về việc chia sẻ đồ chơi ở công viên, hãy kéo bé ra một bên và nói riêng với bé.

8.                   Cẩn trọng với thông điệp của bạn

Nếu bạn giằng món đồ chơi khỏi tay con để đưa cho bé khác, bạn đang làm gương cho hành vi “hy sinh tuyệt đối”. Bạn chắc không muốn con mình sẽ dành toàn bộ thời gian để làm vui lòng người khác. Bạn muốn chúng cân nhắc tới cảm giác của người khác, trong khi vẫn ý thức được nguyện vọng của mình. Hãy tìm cách dung hòa để có được kết quả tốt nhất cho các bên.

Con cần gì ở cha mẹ

– Vui vẻ và cởi mở : Trong cuộc sống hàng ngày, nỗi lo cơm áo gạo tiền đôi khi đã cướp đi sự vui vẻ, cởi mở của nhiều ông bố, bà mẹ. Chúng ta nên hiểu rằng, nỗi lo đó là đúng, nhưng nếu vì điều đó mà làm mất đi niềm vui của con mình là điều không nên. Vì thế, trong việc ứng xử với con, cha mẹ nên tạm để những lo toan bề bộn của cuộc sống qua một bên mà cử xử một cách vui vẻ và cởi mở đối với trẻ. Chính điều đó sẽ giúp cho trẻ  mạnh dạn muốn tiếp xúc với cha mẹ để có thể học hỏi được những điều tốt đẹp hơn.

– Bình tĩnh: Trẻ là người rất giàu cảm xúc, có thể đùa giỡn bất cứ lúc nào, chúng ta phải chấp nhận điều đó để cùng hòa nhịp với trẻ, nhưng phải có sự bình tĩnh để không bị cuốn theo những xúc cảm thái quá, và luôn phải biết cách làm chủ cảm xúc . Điều này cũng giúp cho trẻ sớm được ổn định hơn.

–  Công Bằng: Trẻ rất nhạy cảm trong cách cư xử, nay cả khi chúng ta có những hành vi thiên vị có lợi cho trẻ, mặc dù chúng sẵn sàng tiếp nhận nhưng sẽ không còn tin tưởng ở chúng ta nữa, và dĩ nhiên, nếu thiên về đứa trẻ, thì sẽ làm cho anh chị hay em của nó không hài lòng. Chúng ta đối xử công bằng, không chỉ với trẻ, mà còn phải ngay chính giữa cha mẹ với nhau và trong các mối quan hệ xã hội – Trẻ là người quan sát và chúng hiểu nhiều hơn chúng ta nghĩ về chuyện này.

– Biết chơi với con: Đối với trẻ em, bất kỳ lứa tuổi nào trò chơi là một phần thiết yếu của cuộc sống, vì vậy một kỹ năng quan trọng để gần gũi trẻ là phải biết cách chơi một số những trò chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ, biết dành một số thời gian trong ngày để chơi và cũng có thể đáp ứng một cách nhanh chóng trong một khoảng trống thời gian nào đó, để mua lấy nụ cười của trẻ với một giá rất rẻ qua những trò chơi đơn giản, và đây chắc chắn là một giao dịch chỉ có lãi trong vô số sự giao dịch trong cuộc sống của chúng ta.

Cuối cùng,bạn nên nhớ rằng trẻ chỉ gần gũi những người mà chúng tin tưởng, và dĩ nhiên làm một người đáng tin thì cũng là một điều rất hạnh phúc phải không bạn ?

Theo mangthai, mevabe, webtretho, babycenter, babyzone, gurgle, meyeucon

Đăng ký nhận mail hàng tháng về sự phát triển của bé tại đây

Chúng tôi sẽ gửi mail cho bạn hàng tháng vào ngày sinh của bé với nội dung tư vấn về sự phát triển của bé từng tháng tuổi

Thông tin chăm sóc bé được up liên tục trên facebook: https://www.facebook.com/hikidshopvn
Vui mừng chào đón các bố mẹ ghé thăm

Bình luận về bài viết này