09 tháng tuổi

9 tháng tuổi: khẩu vị của bé đã rõ nét
hikidsvn_9thang-01

 

9 tháng tuổi, bé đòi ‘độc lập’,  bé bắt đầu có ký ức, bắt đầu biết thể hiện cho người khác hiểu được nhu cầu và ý muốn của mình. Những khả năng mới phát triển này cho phép bé học thêm được nhiều kỹ năng bổ ích. Còn mẹ thì sao? Mẹ nên thể hiện suy nghĩ của mình đến mức nào nhỉ?

Ký ức

Tháng thứ 9 này, bé bắt đầu có thể nhớ nhiều thông tin cụ thể hơn, ví dụ như đồ chơi để ở đâu. Bé cũng có khả năng bắt chước những hành động nhìn thấy cách đây một tuần.

Những khả năng này cho thấy bé có ký ức – là khả năng nhớ một số chi tiết đã xảy ra trong một thời gian ngắn – mặc dù bé vẫn không thể nhớ hết được phần lớn các việc đã xảy ra. Loại trí nhớ có ý thức và kéo dài chỉ xuất hiện khi bé bước vào năm tuổi thứ hai hoặc thứ ba của mình, khi ngôn ngữ đã phát triển hơn.

Chơi và học

Bé giờ đã có thể bỏ đồ vào hộp rồi lấy ra. Cho bé một cái xô nhựa và vài khối xếp hình nhiều màu để bé có thể luyện kỹ năng mới này (nhưng đừng đưa các món quá nhỏ vì bé có thể nuốt chúng đấy nhé.) Bé cũng thích các đồ chơi có các bộ phận chuyển động được như nắm đấm cửa, cửa mở ra đóng vào. Trò đẩy xe đồ chơi trên sàn nhà cũng làm bé rất thích.

Bé ngày càng tỏ ra cương quyết và thật sự bắt đầu có thể thể hiện cho người khác biết nhu cầu và ý muốn của mình. Nếu bạn lấy của con một món đồ, bé có thể sẽ phản đối dữ dội đấy; vậy nên lời khuyên hữu ích cho bạn là: Đưa cho con một món đồ khác trước khi lấy món bé đang cầm.

Khoảng một nửa số bé ở độ tuổi này bắt đầu thích chơi trò đưa một món đồ rồi lấy lại. Bạn hãy chơi chung với bé trò này bằng cách thử lăn cho bé một trái banh để xem thử bé có lăn trở lại cho bạn không. Cho bé một món đồ chơi dạng phân loại (phân loại các món cùng hình dáng, cùng kích thước hay màu sắc nằm chung với nhau) hoặc đồ chơi xếp chồng các vòng tròn từ nhỏ tới lớn và xem thử bé có phân loại, xếp hình không hay là đưa cho bạn. Bé cũng thích mời người khác ăn, vì vậy hãy nhận những “món quà” bé đưa một cách vui vẻ.

 

Sự phát triển ngôn ngữ của bé

Bé có thể nói rất sõi cụm từ “baba”, “mama” hoặc một số từ thông dụng khác. Để giúp bé tăng cường vốn từ, bạn nên nhấn mạnh lại cụm từ bé vừa phát âm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp bé hiểu nghĩa từ vựng bằng cách chỉ tay vào một đồ vật và gọi tên (hoặc giới thiệu với bé) những loài hoa, cỏ, động vật trong một quyển sách tranh.

Các bé cũng rất thích thú với trò chơi tìm và nhận diện đồ vật.

 Vận động thô: Leo trèo

Trong khoảng thời gian tập đứng, bé cũng học luôn cách leo trèo. Tuy đây là một kỹ năng khác nhưng đều có liên quan đến việc sử dụng đôi chân, cánh tay để nâng trọng lượng cơ thể lên.

Khu vực cầu thang sẽ là nơi hấp dẫn các bé mới học leo trèo. Nhưng, việc lên, xuống cầu thang đòi hỏi nhiều kỹ năng mà vài tháng nữa bé mới có được.

Bé ở độ tuổi này, cha mẹ phải nâng cao cảnh giác và luôn để mắt tới bé nhé! Chúng tôi khuyên bạn nên lắp rào chắn ở đầu và chân cầu thang để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra khi bé chui hoặc ‘lần mò’ các ngóc ngách để khám phá thế giới.

hikidsvn_9thang_02

Trong khoảng thời gian tập đứng, bé cũng học luôn cách leo trèo. (Ảnh minh họa).

An toàn trong phòng ngủ và bếp

Cẩn thận! Những bé hiếu động đang tìm cách trèo ra khỏi cũi. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng, cũi của bé đã được hạ xuống mức thấp nhất có thể. Nếu bé có dấu hiệu thích thú với việc leo trèo bằng cách đặt tay lên thành cũi tìm điểm tựa và chân cố rướn lên thì cũng đến lúc bạn tháo tấm rào cũi ra rồi. Tuy nhiên, hầu hết các bé đều không thành công khi ‘âm mưu’ thoát cũi cho đến khi được 2 tuổi, thậm chí, có bé chẳng bao giờ trèo ra khỏi cũi.

Bé cũng rất thích khám phá nhà bếp, đặc biệt là khu vực cha mẹ nấu ăn. Thật không may, đây lại là địa điểm gây nhiều rủi ro cho bé. Do đó ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’, hãy lưu ý đến các điều sau:

– Lò nướng: Sau khi sử dụng, bạn nhớ khóa lò nướng lại, vì những bé tò mò sẽ tìm cách khám phá.

– Tay bế con, tay nấu ăn có thể gây ‘tai họa’ khôn lường. Hãy từ bỏ thói quen này!

– Nấu ăn chớ quay tay bắt nồi hay quai chảo ra phía ngoài, vì bé có thể níu xuống. Luôn xoay vị trí tay cầm vào bên trong là điều bạn không được quên!

– Máy rửa bát: Trong máy rửa bát chắc chắn có sót lại nhưng con dao sắc hay đồ vật khác. Vì vậy, nhà có trẻ con cần khóa máy rửa bát lại sau khi dùng.

– Tủ chứa đồ: Nên bỏ các hóa chất tẩy rửa, túi nylon gọn gàng vào tủ và khóa lại cẩn thận.

Hãy sử dụng nhữn mẹo dưới đây để bếp trở thành không gian vui chơi an toàn với bé:

– Thiết kế cho bé một tủ riêng trong nhà bếp để bé thoải mái đóng, mở.

– Cho bé vài cái nồi, chảo, ly, chén nhựa (loại an toàn cho trẻ nhỏ). Đây là giai đoạn bé rất thích chồng các món đồ lên nhau hoặc lấy món nhỏ bỏ vào trong món lớn.

– Cũng có thể bé thích lấy một cái muỗng lớn bằng gỗ hoặc nhựa gõ vào nồi kêu leng keng. Hãy để ý bây giờ bé có thể cầm muỗng bằng một tay và gõ vào cái nồi ở tay bên kia.

Những món ăn bé thích

hikidsvn_9thang_03
Khi khẩu vị của bé đã rõ nét, việc cho bé ăn sẽ gặp rất nhiều vấn đề đấy! (Ảnh minh họa).

Độ tuổi này, khẩu vị của bé cũng rất rõ nét rồi. Bé sẽ thể hiện thái độ ngay với món bé thích hoặc không thích. Đồng thời, đây cũng là thời điểm khiến cha mẹ đau đầu với việc ăn uống của bé. Bé có thể sẽ lười ăn, chỉ thích ngậm hoặc bốc đồ ăn bày bừa ra bàn… Nhưng có lúc, bé ăn như bị bỏ đói lâu ngày.

Nếu quá lo lắng về vấn đề ăn uống của bé, bạn có thể tham khảo ý kiến của những người đi trước, trò chuyện với phụ huynh cùng cảnh ngộ hoặc tham gia diễn đàn Eva để cùng chia sẻ.

Sự độc lập trên bàn ăn

Ở bàn ăn, con bạn có thể tỏ ra muốn tự mình làm hết mọi thứ, việc này thật ra cũng cần thiết cho trải nghiệm ăn uống của bé. Bé có thể tỏ ra cáu kỉnh khi không được đáp ứng yêu cầu này, bắt đầu quấy khóc và làm cho bữa ăn càng trở nên vất vả hơn. Trong trường hợp này, bạn hãy thử thỏa hiệp bằng cách đưa cho con một cái muỗng nhỏ để cầm trong khi vẫn tiếp tục đút cho bé ăn.

Đây cũng là khoảng thời gian khá phù hợp để bạn giúp bé làm quen với cốc uống nước (hoặc uống sữa). Nếu bạn lo ngại bé sẽ làm đổ sữa (hoặc nước) lên người, bạn nên thử cho bé múc, đổ nước với một chiếc cốc nhựa lúc tắm. Khi đôi tay bé đã linh hoạt với chiếc cốc, bé sẽ dễ dàng uống nước bằng cốc hơn.

Nên nhớ rằng giai đoạn này bé rất dễ bị nghẹn nếu ăn, uống không đúng cách. Bạn không nên đưa cho bé những loại thức ăn có hình dáng nhỏ như bỏng ngô, hạt lạc, kẹo viên, bánh quy, nho hoặc những lát carrot cứng.

Bạn cũng không nên để những lọ vitamin hoặc những chai đựng chất lỏng gần bé vì bé có thể với tay và cho những thứ không an toàn này vào miệng. Tốt nhất, bạn nên hấp chín những loại rau, củ thật mềm và xắt lát nhỏ cho vừa miệng bé để tránh bé bị hóc thức ăn. Ngoài ra, bạn nên cho bé ngồi khi ăn để tránh bị nghẹn.

Chăm sóc giấc ngủ cho bé

Giai đoạn 9 tháng tuổi, một số bé dễ bị tỉnh giấc về đêm. Khi ấy, bạn không nên cho bé ăn đêm hoặc bú thêm sữa (trừ khi bé thực sự đói). Nếu không, điều này sẽ tạo thói quen xấu và làm gián đoạn giấc ngủ của bé.

Bé giật mình thức giấc là do ngủ không được sâu hoặc do những tác động bên ngoài môi trường, cũng có thể nhiều bé buộc phải tỉnh giấc do tè dầm. Bạn nên nhanh chóng dỗ để bé quay lại với giấc ngủ như bình thường.

 

Cuộc sống của bạn: Mỗi người một cách dạy con

Mỗi người có một phong cách và mục tiêu nuôi dạy con khác nhau. Tuy vậy đôi khi thấy một bà mẹ khác làm những điều mà bạn không bao giờ làm, bạn khó tránh khỏi việc thốt lên những lời nhận xét. Hãy nhớ rằng mỗi người có một phương pháp nuôi con riêng và có những cách hiệu quả đối với bạn nhưng lại không hiệu quả với người khác. Bạn cũng nên nhớ lại xem cảm giác của mình như thế nào khi bị những người lạ chỉ trích (tại sao không đội nón cho con), hoặc khi người thân không đồng ý phương pháp cho bé ăn và ngủ của bạn chẳng hạn. Hãy tự hỏi liệu những điều làm bạn khó chịu đó có đáng để phải can thiệp không?

Đôi khi giải pháp tốt nhất, đặc biệt khi chuyện liên quan đến bạn bè, là thỏa hiệp. Cố tránh bàn về những chủ đề có thể gây tranh cãi và thay vào đó tập trung vào những chủ đề mà hai người có cùng mối quan tâm. Tuy nhiên, nếu cách dạy con của người khác làm ảnh hưởng tới con của bạn (bởi vì cách cô ấy hay con cô ấy đối xử với con bạn làm bạn lo lắng – ví dụ một đứa trẻ đánh hay cắn con bạn nhiều lần mà mẹ của đứa trẻ ấy cứ làm ngơ), thì lúc đó bạn nên nói chuyện thẳng thắn. Bạn cũng hãy làm tương tự nếu cảm thấy bạn mình đang làm một việc gây nguy hiểm cho con cô ấy – vì rất có thể điều đó chỉ do cô ấy không biết và không ý thức được những mối nguy hiểm này.

9thang_04-300x180

 

Mỗi người có 1 cách dạy con riêng, nhưng hãy lên tiếng nếu điều đó ảnh hưởng đến con bạn, hoặc đến bất kỳ đứa trẻ nào khác (Ảnh: Inmagine)

Hãy chân thành và cụ thể khi nói chuyện với bạn mình. Trong khi nói hãy cố nhấn mạnh rằng bạn nói ra điều này vì muốn các bạn vẫn là bạn tốt của nhau. Nếu cô ấy không có động thái gì để cải thiện, bạn sẽ phải quyết định điều gì tốt nhất cho bạn và con của mình

 Theo mangthai, mevabe, webtretho, babycenter, babyzone, gurgle, meyeucon

 Đăng ký nhận mail hàng tháng về sự phát triển của bé tại đây

Chúng tôi sẽ gửi mail cho bạn hàng tháng vào ngày sinh của bé với nội dung tư vấn về sự phát triển của bé từng tháng tuổi

Thông tin chăm sóc bé được up liên tục trên facebook: https://www.facebook.com/hikidshopvn
Vui mừng chào đón các bố mẹ ghé thăm

1 thoughts on “09 tháng tuổi”

  1. Bài viết này có lẽ là nhiều ảnh nhất mà khi biên tập lại mình không nỡ bỏ đi ảnh nào vì trông các bé đáng yêu quá ạ 🙂

    Thích

Bình luận về bài viết này