26 tháng tuổi

26 tháng: Bé dùng những cụm từ ngắn và câu có từ 2 đến 4 từ
Nhiều bé sẽ phát triển sớm hay muộn hơn một chút so với những mô tả trong bài này, bạn hãy tập trung vào những gì bé của bạn có thể làm, và ghi nhận để giúp bé phát triển những kỹ năng mới của bé nhé

Bước sang tháng thứ 26, khả năng vận động, tư duy, nhận thức, nói và giao tiếp xã hội đã được cải thiện rõ rệt.

Khả năng vận động của trẻ ở 26 tháng tuổi rất tốt. Trẻ có khả năng giữ thăng bằng và phối hợp các động tác một cách khéo léo. Không những trẻ có khả năng lên kế hoạch mà còn có thể thực hiện được các cử động ngày càng phức tạp hơn: trẻ đã có thể tự mình mặc quần áo mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ.

Trẻ thích chạy, nghịch quanh nhà và làm bất cứ thứ gì mình muốn. Trong khoảng thời gian này, dáng đi, kiểu cách đặc trưng riêng của trẻ sẽ được thể hiện rõ nét.

Sở thích leo cầu thang của trẻ vẫn còn tiếp diễn trong tháng này. Trẻ thích được làm những việc nhỏ để giúp bố mẹ. Việc trẻ thích làm nhất có thể là nghe điện thoại hộ bố mẹ. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên mỗi khi có chuông điện thoại kêu, không ai phải nói, trẻ đã vội vàng chạy lại bàn máy, hoặc đi cầm điện thoại hộ bố mẹ.

26-thang-1

Những “chiến lược” xử lý hành động cắn của bé

Bé thường cắn khi tức giận hoặc cảm thấy bị doạ, thường là vì bé gặp vấn đề về thể hiện cảm xúc của mình. Hành động mạnh hơn cả lời nói là bé…cắn!

Nhưng, đừng vì thế mà bạn cho rằng: việc cắn là điều dễ hiểu và hành động đó được chấp nhận. Hãy để bé biết một cách rõ ràng cách cư xử đó là không được phép. Bạn hãy bình tĩnh, nhưng cương quyết như: “Không được cắn. Cắn sẽ làm mọi người bị đau.” Sau đó, hãy hướng sự chú ý đến em bé bị cắn để xoa dịu. Nếu bé cắn bạn khác mà bạn quát tháo ầm lên thì chỉ khuyến khích bé tiếp tục thu hút sự chú ý của mọi người vào những lần khác bé cắn.

Sau khi mọi chuyện đã qua, bạn có thể thông cảm với tình huống và nhắc lại quy định: “Con giận vì bạn ấy đã lấy xe tải của con phải không? Nhưng không được cắn. Nếu con tức, con chỉ cần nói hoặc gọi mẹ”.

Đôi khi “dịch cắn” lan truyền thông qua nhà trẻ. Điều này xảy ra vì trẻ em ở độ tuổi này thích quan sát và bắt chước người khác.

Những mốc phát triển quan trọng của bé

Khi được 2 tuổi, bé đạt được nhiều kỹ năng mới. Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ  đã có một danh sách các mốc phát triển quan trọng mà các trẻ ở độ tuổi lên 2 đều có thể đạt được, đó là:

• Chỉ vào đối tượng mà bạn nói tên.

• Nhận ra tên của những người thân, vật quen thuộc và các bộ phận cơ thể.

• Dùng những cụm từ ngắn và câu có từ 2 đến 4 từ.

• Làm theo những chỉ dẫn đơn giản.

• Lặp lại những từ mà vừa nghe được.

• Tìm một đồ vật, dù bạn đã giấu dưới 2 hoặc 3 cái chăn.

• Phân loại đồ vật về hình dáng và màu sắc.

• Chơi các trò giả vờ (như đồ hàng, bác sĩ…).

Nếu bạn đang lo lắng rằng, bé có vẻ bị chậm phát triển thì hãy trao đổi vấn đề này với bác sĩ. Cách tốt nhất để chẩn đoán một vấn đề là thông qua các đánh giá chuyên môn và tiếp tục quan sát – kết hợp với sự cung cấp thông tin của bạn, vì chẳng ai biết rõ bé yêu bằng bạn cả.

Những dấu hiệu nguy hiểm về ngôn ngữ

Từ 2 đến 3 tuổi, vốn từ vựng của bé sẽ tăng lên khoảng 300 từ và bé có khả năng hiểu tới 900 từ. Tuy nhiên, chẳng có bé nào bắt đầu giao tiếp bằng các câu rõ ràng và đầy đủ ở năm 2 tuổi cả. Một số bé dựa vào cử chỉ và vốn từ vựng cơ bản mà mình đã tích luỹ được dần dần. Một số khác thì líu lo cả ngày với cách phát âm mà chỉ có bố mẹ bé mới giải mã được. Trong cả 2 trường hợp này, các bé đều phát triển bình thường, chỉ có điều là mỗi bé phát triển theo một tốc độ riêng của mình thông qua quá trình phức tạp của việc học nói.

26-thang-2

Trong giai đoạn học nói, việc bé phát âm sai là hoàn toàn bình thường. Bé cũng có xu hướng đảo lộn trật tự từ do nôn nóng để nói được chúng. Ví dụ: Mẹ cốc lấy… Và những vấn đề này thường tự được bé giải quyết theo thời gian mà không cần bất kỳ liệu pháp ngôn ngữ nào.

Dấu hiệu nguy hiểm về sự phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn này gồm có:

• Hầu như không nói được gì.

• Không bắt chước giọng nói của người khác.

• Bỏ cả phụ âm (“ó” thay vì “chó”).

• Không dùng được câu có từ 2 đến 4 từ cho đến khi 3 tuổi.

• Không bao giờ đặt câu hỏi (“Cái gì đấy?”), hoặc có vẻ buồn bực vì không được mọi người hiểu.

Bé yêu thuận tay phải hay tay trái?

Bạn đã có thể thấy bé bắt đầu chuyển từ tay này sang tay kia khi với đồ hoặc ăn (trẻ em có xu hướng dùng đôi bàn tay một cách thay đổi). Nhưng khi được 3 tuổi, bé sẽ trở nên nhất quán hơn về đôi bàn tay thuận và bạn có thể biết chắc chắn bé thuận tay trái hay tay phải. Nếu bạn vẫn chưa chắc chắn thì hãy  thử: Ném một món đồ chơi và xem bé dùng tay nào để với lấy nó và hãy quan sát bé cầm thìa lên bằng tay nào trong giờ ăn. Tay thuận thường khoẻ hơn và khéo léo hơn, vì thế đó là tay mà bé thích dùng hơn.

Một số ít các bé vẫn thuận cả hai tay, nghĩa là chúng dùng hai tay như nhau cho đến tuổi mẫu giáo. Một số bé dùng tay thuận để ăn và viết, nhưng lại dùng tay kia để ném bóng. Tay thuận phần lớn là do di truyền. Chỉ khoảng 1/10 là thuận tay trái, nhưng nếu cả bố và mẹ đều thuận tay trái thì 50% là con họ có thể cũng thuận tay trái.

Bạn đừng cố gắng thay đổi sở thích bẩm sinh của bé. Việc bắt trẻ dùng tay không thuận có thể tạo ra nhiều khó chịu và tiêu hao năng lượng của bé mà lẽ ra nó có thể sẽ được dùng để hoàn thiện các kỹ năng khác.

Cuộc sống của bạn

Ở lứa tuổi này, bé rất hiếu động vì thế khi bạn phải đến dự một buổi gặp mặt trang trọng thì hãy mang theo những đồ giải trí như: sách, bút chì màu, con vật yêu thích, đồ ăn vặt hoặc một đồ chơi thú vị mới cũng khiến bé yên lặng và bạn nên ngồi ở nơi mà có thể dễ dàng rút lui kín đáo khi cần thiết.

Bạn có nên che giấu cảm xúc mãnh liệt của mình với bé?

Câu trả lời là không nên như vậy trong mọi trường hợp, vì thật tốt khi bé hiểu rằng mọi người đều biểu lộ cảm xúc của mình. Nếu bạn khóc vì một điều gì đó thì hãy giải thích để bé hiểu. Ví dụ: “Mẹ đang khóc, vì mẹ nhớ bố và điều đó làm mẹ buồn. Nhưng bây giờ thì ổn hơn rồi. Mẹ rất vui khi có con ở bên cạnh…

Nếu bạn lên cơn tức giận, hãy động viên để bé không bị sợ hãi, vì tất cả các bậc cha mẹ vào một lúc nào đó đều có thể bị mất kiểm soát, mặc dù mục đích là để bình tĩnh và có lý trí nhất có thể.

Bây giờ bé đã đủ lớn để hiểu nguyên nhân và kết quả.

Khi con bạn lớn hơn, bạn hãy đảm bảo an toàn cho bé. Cụ thể, không nên để chậu nước ở trong nhà tắm, vì có thể bé sẽ có nguy cơ bị chết đuối; hãy buộc chặt ngăn kéo để đảm bảo chúng không làm bé bị kẹp tay; để xa tầm với của bé các vật dụng như: dao, kéo,chai lọ, những chất tẩy rửa và các độc tố … Ngoài ra, bạn cũng nên có sẵn băng gạc, thuốc mỡ kháng sinh … để điều trị những vết trầy xước nếu bé bị ngã.

 Theo mangthai, mevabe, webtretho, babycenter, babyzone, gurgle, meyeucon

Chúng tôi sẽ gửi mail cho bạn hàng tháng vào ngày sinh của bé với nội dung tư vấn về sự phát triển của bé từng tháng tuổi

Thông tin chăm sóc bé được up liên tục trên facebook: https://www.facebook.com/hikidshopvn
Vui mừng chào đón các bố mẹ ghé thăm

Bình luận về bài viết này