25 tháng tuổi

25 tháng tuổi: Bé yêu là một mầm non hay chuyện

Bé yêu là một mầm non hay chuyện, dù lúc này người nói chủ yếu vẫn là bạn. Bây giờ, bé đang bắt đầu đặt nhiều câu hỏi, sự phát triển này đáp ứng hai nhu cầu của bé là để tìm hiểu về mọi thứ và cũng là cách để duy trì cuộc trò chuyện với bạn. Điều đó giúp bé thu hút bạn lâu hơn và học được nhiều từ hơn.

25-thang

Nhiều bé sẽ phát triển sớm hay muộn hơn một chút so với những mô tả trong bài này, bạn hãy tập trung vào những gì bé của bạn có thể làm, và ghi nhận để giúp bé phát triển những kỹ năng mới của bé nhé

Bé đặt câu hỏi

Những câu hỏi ưa thích ban đầu của bé gồm những từ: “Tại sao?” và “cái gì thế?”, hoặc đơn giản là “Đấy? Đấy?”. Khi kỹ năng ngôn ngữ của bé phát triển phức tạp hơn thì các câu hỏi của bé cũng có nhiều sự thay đổi, ví như: “Cái gì kêu thế?”, “Lỡ xe ô tô lao khỏi đường thì sao?”, “Tại sao chim lại không bị ngã hả mẹ?”…

Trước những câu hỏi cuả bé, bạn cố gắng trả lời sao cho nhanh nhất có thể và tất nhiên đó phải là những câu thật đơn giản, dễ hiểu và đầy đủ. Ví dụ, “chim có cánh và chúng giúp chim bay được trên trời”. Thái độ sẵn sàng đáp lại của bạn sẽ khuyến khích các câu hỏi khác của bé và những câu trả lời của bạn sẽ giúp bé học được cách ghép các câu với nhau. Bạn cũng đừng sợ khi nói với bé rằng: “Mẹ không biết!” Và một mẹo nhỏ có thể giúp bạn chia sẻ với bé về các chủ đề là hãy mua một số cuốn sách viết về vấn đề đó và đọc cho bé nghe.

 

Ở độ tuổi này, bé thích được trả lời các câu hỏi nên khi đọc sách, bạn hãy hỏi về các bức tranh hoặc câu chuyện như: “Con cún đen đâu hả con?”, “Con nghĩ nó có thích được ăn không?”, “Tiếp theo chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?”… Qua đó, sẽ giúp bé ghi nhớ rất lâu các câu chuyện và kích thích bé tập trung, tạo thói quen đọc sách cho bé ngay từ khi còn nhỏ.

Tăng cường trí não

Não của bé là một nơi bận rộn, vì nó hình thành vô số sự liên kết các nơ ron mới để giúp bé hiểu về những cái gì, tại sao và như thế nào của thế giới. Để khuyến khích bé háo hức học hơn, bạn có thể thực hiện theo các cách sau:

• Giới thiệu cho bé nhiều loại đồ chơi khác nhau như: những đồ chơi lớn để bé đẩy hoặc cưỡi; những chú hề nhảy ra từ trong hộp (nó thể hiện nguyên nhân và kết quả); chơi các hình khối mà có thể xếp chồng lên nhau như những mảnh ghép; trò mặc quần áo cho búp bê, con rối và các đồ chơi nghệ thuật khác… Tuy nhiên, bạn cũng nên thay đổi chúng để giữ được sự mới mẻ, tạo sự cuốn hút cho bé. Cụ thể, bạn giữ lại và mang ra các loại  đồ chơi khác nhau vào mỗi tuần.

• Đừng bắt bé ngừng lại khi đang tìm hiểu quanh nhà.

• Kích thích các giác quan của bé, gồm có đồ chơi xúc giác (đất sét và cát) và đồ chơi âm nhạc (như đàn gỗ hoặc lục lạc…).

• Đưa bé đến những nơi mới và trải nghiệm mới như: bể bơi, sở thú, sân bay…

• Luôn để sách bên cạnh. Đến thăm các thư viện địa phương, hoặc các hiệu sách thường xuyên để bổ sung kiến thức.

Bé ngồi bô

Hầu hết các bé 2 tuổi không thể khô ráo cả ngày hay cả đêm được, nhưng nhiều bé đã sẵn sàng bắt đầu cho việc tập ngồi bô. Ngay khi bạn bắt đầu tập cho bé thì hãy để ý những dấu hiệu tiến bộ của bé như:

• Vui vẻ ngồi bô khi được yêu cầu, hoặc rất thích mặc dù bé ngồi bô mà không có “kết quả” gì cả.

• Có thể bé nói với bạn khi bé cần ngồi bô (có những lúc bé không nhận ra “buồn tè” cho đến một, hoặc hai giây trước khi tè ra quần).

• Ít đi tè hơn trong ngày và ngủ dậy mà không tè dầm.

Phần khó nhất trong việc tập cho bé ngồi bô là bạn đừng gây áp lực quá nặng nề cho bé, vì “chiến thuật” này luôn đem lại kết quả không như mong đợi. Bạn hãy ca ngợi khi bé “thành công” với việc ngồi bô và đừng làm to chuyện khi bé có “sự cố”. Và đừng huấn luyện cho bé ngồi bô vào ban đêm cho đến sau khi bé có thể khô ráo cả ngày mà không bị tè dầm một lần nào cả.

Bé sợ bác sĩ

Trí tượng tưởng phát triển là một trong những phần cuốn hút nhất của tính cách bé, trừ khi nó là một điều gì đó sợ hãi đối với bé. Bé có thể phát triển các loại sợ hãi khi bé đạt được khả năng hình thành các tưởng tượng tinh thần vượt quá những gì xảy ra trước mắt. Đi đôi với sự không thích người lạ của bé và khả năng nhớ những gì đã trải qua (giống như đau khi bị tiêm) sẽ khiến bé  thấy rất sợ bác sĩ.

Một số cách giải quyết

• Mang theo một chiếc túi bác sĩ, đặc biệt có đựng đồ chơi ống nghe, nhiệt kế… để bé có thể chơi trò bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo một con búp bê để làm bệnh nhân của bé.

• Nói về những điều sẽ xảy ra: “Đầu tiên, chúng ta sẽ đi ra chiếc bàn lớn kia và cho họ biết tên của con. Sau đó, chúng ta sẽ ngồi và đọc báo trong khi đợi…”.

• Hãy bế bé trên đùi trong khi khám và tiêm (nếu có thể).

• Bạn đừng nên nói dối bé. Cụ thể, không nên nói rằng: “Tiêm sẽ không đau tí nào đâu con!”.

• Đừng hứa những điều không thật như: “Con sẽ không phải tiêm”, nếu có khả năng bé có thể phải tiêm.

• Bạn nên tỏ ra lạc quan, vì bé rất xuất sắc trong việc đọc trạng thái khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể.

Cuộc sống của bạn

Bé thường không tuân theo thời gian biểu như người lớn. Ví dụ, chúng đòi tự đi tất bất kể tốn bao nhiêu thời gian. Điều này thậm chí khiến cho những bố mẹ kiên nhẫn nhất cũng có thể cảm thấy mệt mỏi.

Thay vì nịnh bé nhanh lên thì bạn hãy dừng lại và tự hỏi rằng: liệu bạn có thời gian rảnh để cho bé làm với tốc độ của bé hay không? Bạn có thực sự cần phải đến cơ quan ngay bây giờ không? Lúc này, bạn hãy hít thật sâu và thở từ từ, hoặc đếm từ 1 đến 10 để khiến mình chậm lại. Khi bạn thực sự vội thì hãy can thiệp và bế bé đi. Nhưng, bạn cũng nên tạo cho con một thời gian biểu có lợi vào những ngày ít bận rộn để bé tự làm những gì mà mình thích.

Sớm hay muộn, bạn cũng sẽ đối mặt với cơn tức giận chung. Thỉnh thoảng, nó xảy ra do bạn và bé đều cảm thấy tăng sức ép trong một bối cảnh nào đó (bạn cảm thấy bị ức chế trong công việc, bé cảm thấy bị kích động hơn). Cơn tức giận này có thể nhanh chóng bùng phát ngoài tầm kiểm soát của bé. Nếu sự phớt lờ cơn giận dữ vài phút của bạn không có hiệu quả, hoặc nếu quá mất công khi phải chờ đợi nó qua đi thì hãy bình tĩnh đưa bé ra chỗ khác. Nếu mọi ánh mắt của mọi người dồn vào bạn thì đó có thể do mọi người chỉ đang gửi đến bạn thông điệp: Tôi thông cảm với bạn, đừng nghĩ mình là người mẹ không tốt. Ngay khi bé kiểm soát lại được bản thân, bạn có thể quay trở lại như không có chuyện gì xảy ra. Và đừng quan trọng hoá vấn đề, vì những người mẹ khác cũng sẽ gặp phải trường hợp tương tự đó thôi.

Đây cũng là lúc thích hợp để bắt đầu cho phép bé được tự lựa chọn. Việc được tham gia vào các quyết định truyền cảm hứng hợp tác tích cực hơn và mang đến cho bé cảm giác điều khiển trong một thế giới mà bé không có nhiều quyền quyết định.

Một số quy tắc nền: Đừng cho bé chọn trong các tình huống mà bé thực sự không có sự lựa chọn. Ví dụ, trước khi đi công viên, đừng hỏi liệu bé muốn mặc áo sơ mi hay không, thay vào đó, hãy hỏi: bé muốn mặc áo sơ mi màu xanh da trời hay màu đỏ. Vào giờ ngủ ngắn, đừng hỏi liệu bé thích ngủ hay chơi. Và bạn nên giới hạn sự lựa chọn của bé chỉ 2 hoặc 3 thôi, vì bạn biết ngay cả người lớn cũng cảm thấy khó khăn như nào khi lựa chọn trong số 31 vị kem.

Nếu bé có vẻ thích thử các giới hạn thì đó là việc của bé. Việc khám phá vô tận và đồng thời thúc đẩy các giới hạn là cách mà bé biết cái gì được chấp nhận và cái gì không. Nhiều cha mẹ không muốn nói “không” với con, vì sợ làm mất tinh thần của con. Nhưng “không” lại thực sự cần thiết và là từ quan trọng. Bé sẽ chẳng bao giờ nhận ra cái gì là quy tắc, nếu bạn không làm cho rõ ràng điều gì được và điều gì không. Hãy nhớ rằng, bé không thể hiểu một lời giải thích dài hơi về lý do tại sao việc giữ đồ chơi và không cho bạn chơi cùng là không tốt. Chúng cần nhận được thông điệp một cách nhanh chóng và rõ ràng rằng: cách cư xử như thế là không ổn chút nào. Bạn cố gắng giữ giọng cương quyết, nhưng ấm áp và mang tính động viên và lúc này sự kiên nhẫn là người bạn tốt nhất của bạn!

Theo mangthai, mevabe, webtretho, babycenter, babyzone, gurgle, meyeucon

Đăng ký nhận mail hàng tháng về sự phát triển của bé tại đây

Chúng tôi sẽ gửi mail cho bạn hàng tháng vào ngày sinh của bé với nội dung tư vấn về sự phát triển của bé từng tháng tuổi

Thông tin chăm sóc bé được up liên tục trên facebook: https://www.facebook.com/hikidshopvn
Vui mừng chào đón các bố mẹ ghé thăm

Bình luận về bài viết này