24 tháng tuổi

24 tháng: Bắt đầu biết phân biệt hình dạng và màu sắc
24-thang_hikidsvn_02 

Trẻ em phát triển theo các đặc tính riêng biệt của mình nên sẽ không thể nói chính xác khi nào trẻ học được một kỹ năng cụ thể nào. Các cột mộc phát triển được liệt kê dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một cách tổng quát những thay đổi của trẻ mà bạn có thể mong đợi. Tuy vậy, bạn cũng đừng lo lắng nhiều khi con bạn phát triển hơi khác với những gì được liệt kê dưới đây.

Xã hội

       . Bắt chước hành vi của người khác, thường là người lớn hoặc trẻ lớn hơn

       . Nhận biết bản thân là một người khác với mọi người

       . Rất thích chơi với những trẻ khác

   Cảm xúc

       . Ngày càng trở nên độc lập

       . Bắt đầu có các biểu hiện chống cự, phản đối

       . Lo lắng khi xa bố mẹ nhưng sau đó quen dần và không còn lo lắng

   Nhận thức

       . Tìm ra đồ vật ngay cả khi đồ vật đó bị giấu dưới hai hoặc ba lớp

       . Bắt đầu biết phân biệt hình dạng và màu sắc

       . Bắt đầu biết giả vờ

   Ngôn ngữ

       . Biết chỉ đúng đồ vật hoặc hình ảnh khi được nói tên đồ vật đó

       . Nhận biết tên của những người quen, đồ vật quen thuộc và các bộ phận của cơ thể

       . Nói được nhiều từ đơn (từ 15 đến 18 tháng tuổi)

       . Biết nói vài nhóm từ đơn giản (từ 18 đến 24 tháng)

       . Biết nói câu có từ 2 đến 4 từ

       . Làm theo các hướng dẫn đơn giản

       . Biết lập lại khi hướng dẫn trẻ nói

   Vận động

       . Tự đi một mình

       . Biết kéo đồ chơi phía sau khi đi (kéo xe)

       . Có thể mang được món đồ chơi lớn hoặc nhiều món đồ chơi khi đi

       . Bắt đầu biết chạy

       . Biết đứng nhón chân

       . Đá banh

       . Tự leo lên và leo xuống bàn ghế

       . Vịn vào tay vịn để lên và xuống cầu thang

   Kỹ năng sử dụng bàn tay và ngón tay

       . Tự viết nguệch ngoạc

       . Biết lật úp hộp để đổ đồ trong hộp ra

       . Biết chồng từ 4 đồ vật lên nhau (4 khối gỗ)

       . Có thể sử dụng nhiều một tay hơn tay kia

24-thang_hikidsvn_01

Sự phát triển giác quan và khả năng học tập ở trẻ 2  tuổi

Thị giác

Lúc 2 tuổi, thị giác của bé phát triển rất tốt. Bé có thể nhìn được mọi thứ trong tầm ngắm giống như mắt người lớn, trong đó có khả năng nhận biết về khoảng cách, bề sâu và sự chuyển động. .

Tính tò mò

Đối với bé 2 tuổi, tính tò mò có thể xem là một dấu hiệu cho thấy bé thông minh. Tuy nhiên, đôi khi vì tò mò quá mà bé có thể trở nên ngỗ ngược, khó dạy. Bạn cần dạy cho trẻ biết những giới hạn, ví dụ như bé không được lục lọi đồ đạc trong giỏ người khác. Nhưng bạn cũng cần tránh thái độ lúc nào cũng cấm đoán bé trong việc khám phá mọi thứ xung quanh. Trẻ con thường học hỏi bằng cách tự khám phá.

Tập cho bé cách suy nghĩ

Khả năng quan sát là một phần trong quá trình suy nghĩ của bé. Kinh nghiệm dạy cho bé biết cách suy nghĩ. Từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi, trí não của bé vẫn còn rất non nớt, song đã bắt đầu biết xử lý các thông tin mà bé thu nhận được, cũng như đã hiểu biết khá nhiều về cách suy luận nguyên nhân – kết quả.

Cảm xúc của bé

Lúc khoảng 2 tuổi, bé thường cho rằng những đồ vật vô tri giác như bàn ghế, xe cộ, gấu bông… cũng có cảm xúc, suy nghĩ và có hành động như con người. Chính vì vậy mà bé tin chắc rằng khi xe đạp bị ngã, xe đạp cũng bị “đau” giống như bé vậy. Hoặc bé sẽ nói rằng, chú gấu bông ở nhà là “bạn” của bé. Đây là một giai đoạn quan trọng giúp bé học được tình thương yêu, sự đồng cảm đối với thế giới xung quanh mình.

Khả năng tập trung trí nhớ và trí tưởng tượng

Khi khả năng tập trung và trí nhớ của bé phát triển, hệ thần kinh đã thiết lập được nhiều đường liên hệ hơn, nhằm tạo nền tảng cho quá trình học tập sau này. Bạn sẽ thấy thật thú vị khi chứng kiến bé chơi những trò chơi mang tính tưởng tượng vô cùng phong phú.

Giai đoạn này, bé có khả năng tập trung khá tốt, đồng thời có thể quan tâm đến nhiều kênh thông tin khác nhau cùng một lúc. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc bé đang làm gì và bé cảm thấy thích thú với công việc đang làm như thế nào.

Nhờ vào trí nhớ tốt, bé tích lũy được khá nhiều kiến thức. Lúc 2 tuổi, có lẽ bé đã nhận thức được tên đầy đủ của mình. Bé còn thuộc nhiều bài đồng dao, bài hát thiếu nhi nên bé có thể hát mà không cần ai nhắc. Nếu bạn hát cho bé nghe những bài này và bạn giả vờ hát nhầm một vài từ trong bài hát thì chắc chắn bé sẽ nhận ra ngay và phản đối quyết liệt cho đến khi bạn hát lại cho đúng.

Ngoài ra, bé cũng đã hiểu được nhiều khái niệm quan trọng như “trong”, “ngoài”, “xuống”, “lên”, “sau này”, “trước đây”…

Khả năng tưởng tượng khi chơi

Từ 2 tuổi trở đi, bé thường xuyên tham gia các trò chơi tưởng tượng. Bé hiểu rằng, một đồ vật nào đó có thể đại diện cho một đồ vật khác (ví dụ, ngăn bàn có thể được bé coi là giường ngủ của búp bê…). Lúc này, bạn cần chọn những loại đồ chơi phức tạp hơn để tăng cường khả năng tưởng tượng của bé. Tuy nhiên, những đồ chơi đơn giản cũng tốt cho quá trình này.

Bé có thể mở một tiệc trà cho những chú gấu bông và búp bê cùng dự. Bé trai lúc khoảng 2 tuổi cũng thích chơi với thú nhồi bông. Điều này là hoàn toàn bình thường và bạn không có gì phải lo lắng cả. Trẻ em thường có nhu cầu chơi với bạn bè và các trò chơi mơ mộng như vậy rất có ích đối với cả bé trai lẫn bé gái. Qua các trò chơi này, bé học được cách ứng xử dịu dàng, cách bày tỏ tình cảm đối với những người xung quanh.

Giữ an toàn cho bé

Giai đoạn này bé rất hiếu động và đôi khi còn rất mạo hiểm. Cá tính của bé cũng được hình thành chính trong thời gian này. Bé 2 tuổi luôn muốn lăn xả chọc phá mọi việc, nhất là những việc mà bạn yêu cầu bé. Bé di chuyển rất nhanh, trong khi đó chưa hề nghĩ đến các mối nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đôi khi bé quay tròn liên tục một cách điên cuồng, chỉ vì bé có thể quay tròn như vậy mà không bị chóng mặt. Lúc nào cũng vậy, theo bản năng, bé thường làm các trò này ở những nơi có đồ vật dễ vỡ. Để tránh điều này, bạn cần:

– Luôn luôn giám sát bé, nhất là khi bé đang chơi trong sân.

– Hồ nước trong vườn dù cạn cũng rất nguy hiểm đối với bé, vì thế bạn nên rào lại.

– Nên giữ nhà cửa ngăn nắp để tránh trường hợp bé bị ngã. Đồ đạc để bừa bãi có thể gây nguy hiểm cho bé.

– Luôn luôn trông chừng bé cẩn thận, nhất là khi bé ở trong bồn tắm. Đừng bao giờ để bé một mình trong bồn tắm trong khi bạn chạy ra nghe điện thoại hoặc mở cổng…

– Các đồ vật trang trí bằng thủy tinh hay các vật liệu dễ vỡ khác nên để xa tầm với của bé.

– Nên dạy cho bé cách leo cầu thang thật chắc chắn, bạn cũng có thể dạy cho bé hiểu rằng có một số việc cần để ý, cẩn thận hơn. Đây là một bài học quan trọng đối với tương lai của bé. – Nên dự tính trước những điều “bất ngờ” có thể xảy ra với bé để tránh những nguy hiểm cho bé

 Theo mangthai, mevabe, webtretho, babycenter, babyzone, gurgle, meyeucon

Đăng ký nhận mail hàng tháng về sự phát triển của bé tại đây

Chúng tôi sẽ gửi mail cho bạn hàng tháng vào ngày sinh của bé với nội dung tư vấn về sự phát triển của bé từng tháng tuổi

Thông tin chăm sóc bé được up liên tục trên facebook: https://www.facebook.com/hikidshopvn
Vui mừng chào đón các bố mẹ ghé thăm

Bình luận về bài viết này